Cơ-sở

LƯ ĐỒNG QUỐC KIỂN | Làng đúc đồng An Hội

Những cụ già sống ở phường 12, quận Gò Vấp kể lại rằng: nghề đúc lư đồng từ lâu đã được xem là nghề truyền thống của vùng. Không một thành viên nào trong gia đình anh Trần Quốc Kiển có thể nhớ chính xác cơ sở lư đồng được thành lập vào ngày tháng năm nào, tuy nhiên, có một điều mà ai cũng biết chắc chắn cơ sở lư đồng này đã trải qua ba thế hệ. Ông nội của anh Kiển là người Hoa nhưng sinh ra ở Việt Nam, bà nội anh là người Việt. Cơ sở được truyền lại từ đời ông nội và đây được coi là cơ sở hình thành sớm vào loại nhất nhì ở làng An Hội (tên địa danh xưa).

Từ năm 1975 đến năm 1990, cơ sở gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, vốn là hậu quả của nền kinh tế tập trung hóa. Trong những năm 1990, quá trình đô thị hóa đã diễn ra với tốc độ nhanh chóng tại Sài Gòn nói chung và phường 12 nói riêng, điều này đã ảnh hưởng khá mạnh đến các hoạt động của cơ sở lư đồng. Thế nhưng, với niềm say mê, yêu nghề, anh Kiển đã ra sức gìn giữ và dần dần phát triển cơ sở gia đình đến ngày nay.

Thời cha ông của anh, sản phẩm lư đồng cũng khá đa dạng và tinh xảo như bây giờ, nhưng số lượng sản xuất bình quân trong tháng không nhiều. Ngày nay, thế hệ của anh, cơ sở sản xuất được nhiều hơn, mẫu mã cũng có phần phong phú hơn nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của bộ lư đồng truyền thống. Vừa làm vừa học, giờ anh Kiển đã là nghệ nhân, người tạo mẫu chính cho cơ sở. Anh có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo mẫu và nắm bắt thị hiếu của khách hàng.

Trước đây, sản phẩm được bán chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Thị trường được mở rộng hơn trước vì anh Kiển đã xây dựng cho sản phẩm lư đồng của mình một mạng lưới các đại lý và đơn vị bán lẻ khá rộng tại các tỉnh thành.

Quy mô nhà xưởng
Năm 1995, cơ sở đã được sửa sang và trang bị thêm một số thiết bị như lò nấu đồng, máy xay nguyên vật liệu. Trước thời điểm này, mọi thứ đều làm bằng tay, nay có máy móc mới tốc độ sản phẩm nhanh hơn và hiệu quả hơn. Cơ sở có diện tích 1.000m2 , với 1 khu nhà tạo mẫu, 1 khu nhà làm nguội và 1 nhà nung. Tuy nhiên có thể nói rằng, cơ sở lư đồng Quốc Kiển hiện hoạt động trong một không gian hoàn toàn mang tính chất kinh tế hộ gia đình, quy mô sản xuất không lớn.

Nhân lực
Vào những tháng giáp tết, sản phẩm bán được nhiều, cơ sở có khoảng 20 lao động (kể cả nghệ nhân). Vào thời điểm khác, cơ sở chỉ cần khoảng 10 người. Nghề truyền thống này đòi hỏi người lao đồng phải khéo léo và có sức khỏe. Các thợ đúc đồng đa số là thanh niên và trung niên. Vài người trong số họ là thành viên của gia đình anh và hiện đang ở trên địa bàn phường 12, Gò Vấp. Công việc được chia làm hai loại: Nặng và nhẹ. Công việc nặng do nam giới làm còn những việc khác do chị em phụ nữ đảm nhiệm. Để trở thành người thạo việc, một nhân viên phải học từ 1 đến 2 năm. Đến nay, cơ sở đúc lư đồng Quốc Kiển đã đào tạo được hàng chục nghệ nhân lành nghề.

Nguyên liệu
Nguyên liệu chính được sử dụng là đồng thau và đồng đỏ. Trước đây, cơ sở mua các loại vỏ đạn, đầu đạn ở dạng phế liệu về tái chế, các loại đồng từ phế liệu này rất dễ dàng mua lại từ các vựa mua bán phế liệu trong thành phố. Hiện nay, cơ sở phải đi đến các nhà buôn bán phế liệu ở các tỉnh mới có đủ số lượng đồng. Vào những tháng bán hàng chạy (gần Tết), đôi khi cơ sở còn thiếu hụt nguồn nguyên liệu đồng cho sản xuất. Theo anh Kiển, nếu có nhiều vốn, những tháng đầu năm mua đồng về trữ lại là tốt nhất.

Ngoài ra, đất để làm khuôn khi nung sản phẩm cũng là nguyên liệu quan trọng. Ngày trước, thế hệ cha ông lấy đất từ khu vực Quận 12, đến nay các vùng này đô thị hóa mạnh mẽ, vì thế cơ sở phải mua đất nguyên liệu chuyên chở từ Bình Dương về.
Nhìn chung, nguyên liệu để tạo ra bộ lư đồng không nhiều cả về chủng loại và số lượng, việc đảm bảo đủ nguyên liệu là quan trọng song không phải là vấn đề lớn ảnh hưởng đến sản xuất. Thị trường và kỹ thuật chế tác mới là phần quyết định cho sự phát triển của cơ sở.

Sản phẩm
Sản phẩm của cơ sở đa dạng, phong phú về chủng loại và mẫu mã. Hiện tại cơ sở đúc lư đồng Quốc Kiển đang sản xuất, cung cấp các chủng loại Lư Tròn, Lư Vuông, Lư Hương với nhiều kiểu dáng. Số lượng mỗi sản phẩm được sản xuất phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng.

Thị trường tiêu thụ
Sản phẩm lư đồng Quốc Kiển được tiêu thụ tại thị trường trong nước là chủ yếu. Những năm trước, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ chính. Hiện nay, thị trường đã được mở rộng ra các tỉnh miền Trung và miền Tây như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Đồng Nai, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang… Hình thức phân phối sản phẩm tại các tỉnh này thông qua các đại lý sỉ và lẻ.

Ở Việt Nam, bộ lư đồng được coi là một vật phẩm thiêng liêng, cần thiết trong việc thờ phượng, luôn được đặt tại vị trí trang trọng nhất đó là bàn thờ tổ tiên của gia đình, cũng như các đình, chùa và miếu. Bàn thờ tổ tiên với bộ lư đồng đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của ngôi nhà Việt. Đặc biệt, bộ lư đồng luôn là điều mơ ước của không ít các gia đình ở nông thôn Việt Nam, có thể khẳng định rằng vùng nông thôn Việt Nam chính là thị trường tiêu thụ tiềm năng. Điều đó là cơ sở quan trọng để lò đúc lư đồng Quốc Kiển mạnh dạn đầu tư sản xuất.

Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 4-5 bộ lư đồng, sản phẩm được chuyên chở đến đại lý là chủ yếu. Việc phân phối lẻ tại một số hội chợ gần đây và bán lẻ tại nhà cũng thu được doanh số khá cao. Sản phẩm lư đồng không được quảng cáo, nhưng thị trường tiêu thụ tại các tỉnh vẫn tương đối ổn định. Những tháng gần Tết, cơ sở đã sản xuất đi mỗi tháng hàng trăm bộ lư đồng. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm lư đồng Quốc Kiển cũng được tiếp cận với nhiều Việt Kiều từ các nước, tìm đến tận cơ sở hoặc các đại lý ở Chợ Lớn để mua về thờ phụng.

Nhìn chung, thị trường của sản phẩm lư đồng đã được mở rộng tại nhiều tỉnh thành và cộng đồng người Việt Nam ở ngoài, với lượng tiêu thụ ổn định và số lượng lớn hơn. Doanh thu và lợi nhuận tăng, khuyến khích chủ cơ sở đầu tư, phát triển nhằm từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm lư đồng truyền thống.

[ trích  “Con đường Doanh nhân / Vươn lên từ khó khăn” , 2OO5 ]